Giới thiệu sơ lược Quy khứ lai từ

Theo Dịch Quân Tả, một học giả người Trung Quốc, cho biết khi Đào Tiềm làm quan lệnh Bành Trạch, có quan đốc bưu đến huyện, bọn tiểu lại khuyên ông nên buộc dây đai để tiếp quan đốc bưu, ông than rằng: "Ta không thể vì năm đấu gạo mà uốn lưng trước bọn hương lý tiểu nhi". Nói rồi, nội ngày đó ông trả ấn từ quan đi về làng cũ. Trên đường ông hoàn thành bài "Quy khứ lai" để biểu lộ chí của mình. "Quy khứ lai" có nghĩa "Hãy đi về đi!", giống như câu nhà Phật đã thường nói: "Quy mệnh khứ lai", "Quy y khứ lai". Chữ "từ" là do người sau thêm vào.

Đào Tiềm sáng tác bài trên khi ông 41 tuổi, tức cũng là năm treo ấn từ quan (tháng 11 năm Ất Tỵ, tức 405 theo dương lịch, đời vua An Đế nhà Đông Tấn)[1].

Ở sáng tác này, Đào Tiềm nhằm bộc lộ tư tưởng của mình và ca tụng cảnh trí, thú vui ở vườn ruộng. Trước phần thơ, là phần Tự của ông:

Ta nhà nghèo, việc cấy trồng không đủ cung ứng cuộc sống. Con cái đầy nhà, trong hủ thì thiếu gạo, cuộc sống chưa phải giải quyết thế nào. Bà con, bạn bè đến khuyên ta ra làm quan. Không có gì cản trở, ta cũng có ý muốn tìm ít tước lộc, nhưng chưa tìm ra. Vừa lúc có việc quan các nơi, ta phụng mệnh quan ra kinh đô và được các chư hầu yêu mến, thúc phục cũng thương ta nghèo nên tiến cử ta làm quan lệnh. Bây giờ giặc giã chưa yên, trong lòng ta vẫn cứ sợ phải đi xa; huyện Bành Trạch cách nhà độ hơn trăm dặm, số thu công điền cũng đủ cho cuộc sống. Vì thế ta xin được đến làm quan ở đấy. Không lâu sau, ta lại có ý nhớ nhà, muốn về nhà.Tại sao thế? Bản tính tự nhiên của ta là như thế, nên không thể miễn cưỡng, giả vờ được. Sự đói lạnh tuy là quan trọng thực đấy, nhưng làm ngược lại bản tính mình còn đau khổ nhiều hơn. Trước giờ ta từng theo làm việc với người khác cũng chỉ vì miếng ăn mà phải chịu cảnh tôi mọi. Thế rồi ta cảm thấy thất vọng, bị khích động tủi thẹn cho chí bình sinh. Ta vẫn định làm quan chừng hơn một năm rồi hãy len lén thu xếp áo quần mà về quê. Nhưng chỉ được ít lâu, nghe tin em gái ta là Trình thị (theo họ chồng) mất ở Võ Xương; vì tình ruột thịt, khiến ta phải mau mau chạy tang[2] và tự động xin từ chức. Từ trọng thu (tháng 8) đến mùa đông, ta làm quan được hơn 80 ngày. Theo việc, thuận lòng, ta viết bài "Quy khứ lai hề".Tháng 11 năm Ất Tỵ (405)[3]